Theo: Báo Nghệ An

Nguồn: https://baonghean.vn/cac-nuoc-dung-than-duoc-hai-sam-nhu-the-nao-129662.html

Hải sâm là 1 trong 5 lớp của ngành da gai, sống ở biển và được khai thác sử dụng như là một nguồn thực phẩm, dược phẩm của con người từ xa xưa.

Trên thế giới hải sâm được phân bố ở các vùng biển Ấn Độ, Tây Nam Thái Bình Dương, vùng đảo Maldive, Bắc Australia, Trung Quốc, nam Nhật Bản. Ở Việt Nam hải sâm có nhiều ở ven biển Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hoàng Sa, Trường Sa, Thổ Chu, Phú Quốc.

Hải sâm sinh sống trên cát bùn, vũng san hô chết ở cửa sông, vùng triều hoặc trong đầm phá ở độ sâu từ 4 đến 30 mét tuỳ theo từng loại.

Vùng biển Trung Quốc có khoảng 134 loài hải sâm, trong đó có 28 loài dùng làm thức ăn, có giá trị dược phẩm. Ở Việt Nam thường gặp các loài hải sâm mít (Actinopyga, Echinites), hải sâm mít hoa (Actinopyga, Mauritiana), hải sâm đen (Holothuria Atra Jaege), hải sâm trắng (Holothuria Scabra Jaeger) hải sâm vú (Microthele Nobilis) Hải Sâm lựu (The Lenota Ananas…).

Từ xa xưa người dân châu Á, đã biết hải sâm là món ăn đặc biệt ngon bổ, là 1 món ăn nổi tiếng trong 8 món ăn “Bát Trân” của vua chúa phương Đông có tác dụng bổ dưỡng, hồi phục sức khoẻ và tăng cường sinh lực nên được gọi là “nhân sâm” của biển cả.

Hải sâm còn là loại thuốc quý, có tác dụng bổ máu, bổ thận, tráng dương, ích tích, bổ khí, điều trị bệnh liệt dương, suy nhược cơ thể, lao phổi, đái tháo đường, động kinh, thần kinh suy nhược, bệnh dạ dày, loét tá tràng, táo bón do khô ruột, viêm phế quản làm cho vết thương mau lành, chống lão hoá.

Dưới ánh sáng của khoa học người ta đã phân tích thành phần hoá học và sinh học cho thấy: Hàm lượng protein tỷ lệ rất cao chiếm từ 63,23 – 67,22%, hàm lượng glucid từ 2,25 – 4,4% hàm lượng lipid là 1,35 – 3,05% trong đó colescherol hầu như không có, các nguyên tố vi lượng sắt: (Fe) 197,55 mg/kg, đồng (Cu) là 62,00 mg/kg, Se có từ 5,5 – 13,7 mg/kg, testosteron 20,4 mg/g prorgesteron 207,1 mg/g.

Trong đó vai trò của các nguyên tố Fe, Cu, Zn giúp cho việc tăng cường hồng cầu cải thiện khả năng hấp thụ oxy và Cu, Zn, Br, Mn hoạt hoá các cấu trúc thần kinh, tăng cường trí nhớ giảm hồi hộp lo âu, tạo ra sự chính xác, tập trung trong hành động. Nguyên tố Se giúp giảm mệt mỏi là chất chống oxy hoá, khử các gốc tự do sinh ra khi con người hoạt động ở cường độ cao.

Trong cơ thể của hải sâm có các enzym và sự nối kết tăng cường cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể, ở các mô liên kết da, màng lỗ hồng, cơ thể, da bên trong tuyến ống có nhiều loại axit như Mycopolysadiaride, có tác dụng làm hồi phục và phát triển cơ thể giúp an thần, hình thành xương ngăn cản sự lão hoá của cơ và xơ cứng động mạch. Mycopolysadiaride còn là loại thuốc chống u. Holotoxin được chiết từ hải sâm là một antimycin có tác dụng ngăn chặn nhiều loại mốc.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hải sâm lớn nhất thế giới. Hàng năm sử dụng từ 10.000 đến 12.000 tấn (khối lượng khô), giá bán lẻ hải sâm tăng đáng kể từ 18 nhân dân tệ/ kg năm 1960 lên 600 – 1.000 nhân dân tệ năm 1990 và đến nay là 3.000 nhân dân tệ/ kg.

Thị trường nhập hải sâm từ Hồng Kông, Indonexia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và một số nước khác như Canada, Nga. Đặc biệt thị trường Trung Quốc tiếp nhận tất cả các loài hải sâm, không chỉ loại chất lượng cao mà bao gồm cả loại kích thước nhỏ và kể cả loài có giá trị thương phẩm thấp. Bao gồm (hải sâm tươi, chế biến đông lạnh, sấy khô, muối, hun khói…). Người Trung Quốc từng nói “ăn một con hải sâm một ngày, bạn sẽ không cần đến bác sĩ”. Từ những năm 90 vào thế kỷ trước các sản phẩm chế biến từ hải sâm đã được bày bán ở các cửa hàng dược phẩm, thực phẩm và ở các siêu thị dưới dạng bán buôn và bán lẻ.

Hồng Kông được coi là thị trường nhập khẩu hải sâm lớn nhất trên thế giới. Nhập nhiều nhất hải sâm khô, tiếp đến là hải sâm ướp lạnh, lột da từ Newzealand cung cấp cho các nhà hàng đặc sản ở Hồng Kông và các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Hồng Kông còn nhập các loài hải sâm nước lạnh từ Canada, Mỹ dưới dạng đông lạnh, bỏ nội tạng phục vụ cho thị trường cao cấp trong đại lục.

Singapore là nước không sản xuất hải sâm, nhưng hải sâm là một loài đặc sản được ưa chuộng nhất. Singapore sau khi nhập hải sâm và được chế biến thành sản phẩm có giá trị gia tăng, tái xuất sang các nước khá. Các nhà cung cấp hải sâm cho Singapore là Hồng Kông, Ấn Độ, Hoa Kỳ, các đảo quốc nam Thái Bình Dương, Mandivơ, Oapua Niu Ghine, Madagasca, Tanzania, Australia và tái xuất sang Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Myanma, Thái Lan.

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hải sâm không sử dụng phổ biến, do đó nhập rất ít, hàng năm Nhật Bản nhập khoảng 10 tấn, Hàn Quốc 20 tấn đòi hỏi chất lượng rất cao. Ở thị trường Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Bỉ, nhập khẩu hải sâm chủ yếu phục vụ người Hoa.

Nhu cầu hải sâm trên thế giới ngày càng tăng, song nguồn lợi ngày càng giảm do khai thác bừa bãi. Ngày nay hều hết các nước đều ban hành luật và pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi, đồng thời đẩy mạnh việc nuôi và sinh sản nhân tạo hải sâm.

Trung Quốc đã tập trung nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống và nuôi hải sâm từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng mãi đến thập kỷ 80 đạt kết quả, trong sản xuất giống và bảo vệ nguồn lợi hải sâm. Trung Quốc đã thành lập được 3 hệ thống nuôi hải sâm: nuôi ao, nuôi bằng lồng, nuôi biển và thành lập khu bảo tồn và bảo vệ nguồn hải sâm thiên nhiên. Trong đó nghề nuôi hải sâm trên biển đã mang lại hiệu quả đáng kể cho khu vực phía Bắc Trung Quốc và ở cả một số tĩnh phía nam Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến. Ước tính nuôi trên 55.000 ha thu hoạch trên 6.500 tấn khô tính quy tươi khoảng 150.000 tấn hải sâm nuôi và 550 tấn là từ khai thác tự nhiên. Với số lượng trên vẫn không đáp ứng được nhu cầu thị trường mà phải nhập khẩu từ nhiều nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *